Tại Việt Nam Làng trẻ em SOS

Quá trình thành lập

Năm 1967, chứng kiến nỗi đau mất mát gia đình của trẻ em Việt trong thời chiến, Hermann Gmeiner đã trở lại châu Âu nhờ bạn bè của Làng trẻ em SOS ở Áo và Đức trợ giúp xây dựng làng ở Việt Nam. Chính phủ Đức đã đồng ý chi trả tiền xây dựng làng tại Gò Vấp, toàn bộ các ngôi nhà tiền chế được chuyển từ Áo sang bằng tàu biển. Giáo sư Hermann Gmeiner đã gọi Helmut Kutin (Sau này ông là chủ tịch của Làng trẻ em SOS quốc tế) đến và đề nghị sang Việt Nam xây dựng một làng trẻ em SOS. Sở dĩ Helmut Kutin được giao sứ mệnh đặc biệt này bởi ông cũng là trẻ mồ côi lớn lên ngay trong ngôi làng trẻ em SOS đầu tiên do Hermann Gmeiner thành lập.

Helmut Kutin nhận lời và từ tháng 10 đến tháng 12, ông sang Pháp học tiếng Việt, chuẩn bị đến vùng chiến sự Việt Nam.

Những khó khăn

Tháng 3 năm 1968, Helmut Kutin cùng Hermann Gmeiner đến Sài Gòn. Chiến tranh ác liệt đã làm chậm tiến độ xây dựng làng, nên đến cuối năm 1968 những ngôi nhà đầu tiên mới hoàn thiện.

Vài năm sau, Helmut Kutin lên Đà Lạt khảo sát, chọn địa điểm để xây dựng Làng trẻ em SOS Đà Lạt khánh thành năm 1974. Cả hai ngôi Làng trẻ em SOS Gò Vấp và Đà Lạt đều do ông làm giám đốc. Tuy nhiên, Làng trẻ em SOS Đà Lạt chỉ hoạt động chưa đầy một năm thì buộc phải đóng cửa. Helmut Kutin ở lại và duy trì hoạt động của Làng trẻ em SOS Gò Vấp đến tháng 3 năm 1976 thì rời Việt Nam. Những đứa trẻ trong làng lúc đó được chuyển về cho thân nhân, những đứa nhỏ tuổi nhất được đưa đến trại mồ côi Thủ Đức. Những bà mẹ lúc đó cũng có người ở lại, có người trở về quê và mang theo những đứa con không có thân nhân để tiếp tục chăm sóc.

Năm 1977 và 1978, Helmut Kutin trở lại Việt Nam để đàm phán nhưng không đạt được thỏa thuận. Dù vậy, Helmut Kutin vẫn tiếp tục giúp đỡ các bà mẹ và trẻ bằng cách gửi tiền bạc và hàng hóa.

Năm 1987, Helmut Kutin nhận được lời mời từ Thứ trưởng Hoàng Thế Thiện (nguyên thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) sang Việt Nam để thảo luận. Sau chuyến đi này, cả hai bên đã thống nhất ký thỏa thuận xây dựng Làng trẻ em SOS Hà Nội và mở lại Làng trẻ em SOS Gò Vấp. Đây cũng là dấu mốc đánh dấu sự tái lập của các làng trẻ em SOS tại Việt Nam sau nhiều năm gián đoạn.

Về sau này, Helmut Kutin luôn dành cho Việt Nam một sự ưu ái đặc biệt khi lập các làng trẻ em SOS. Trong khi các nước trên thế giới chỉ có 1 đến 2 làng, riêng tại Việt Nam thành lập đến 17 làng trẻ em SOS.

Các làng trẻ em SOS ở Việt Nam

Việt Nam hiện có 17 làng trẻ em SOS đang hoạt động trải đều từ Bắc vào Nam.[4] Tại 17 làng trẻ em SOS trên cả nước có 3.100 trẻ đang được nuôi dưỡng và 2.800 trẻ đã trưởng thành. Làng trẻ em SOS Thái Bình là ngôi làng đầu tiên mà người Việt trong nước tham gia đóng góp 50% kinh phí lập làng (50% còn lại là do Tổ chức SOS kêu gọi tài trợ từ châu Âu).[5]

Ngoài ra, tại Việt Nam hiện có 12 lưu xá thanh niên, 16 trường mầm non, 12 trường THPT, 4 cơ sở đào tạo nghề, 1 trung tâm y tế do Tổ chức Làng trẻ em SOS quốc tế xây dựng với gần 20.000 người hưởng lợi.[6]